June 7, 2023
Đánh giá để xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ
Đánh giá gì khi chuẩn bị xây dựng kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ? là câu hỏi nhiều bậc phụ huynh quan tâm trong quá trình cho con can thiệp sớm. Để giúp cha mẹ có góc nhìn tổng quan về những đánh giá mà chuyên gia cần để xây dựng một kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ, mời cha mẹ cùng đọc bài viết này của Trung tâm Giáo dục Special Em’s nhé!
Có bao giờ cha mẹ thắc mắc về cơ sở nào để các chuyên gia xây dựng một kế hoạch can thiệp cá nhân cho trẻ có quyền đặc biệt? Thực tế, mỗi chuyên gia sẽ có những kinh nghiệm và áp dụng phương pháp đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, các đánh giá sẽ tập trung vào các tiêu chí sau:
Đánh giá thể chất – vận động – cảm giác
Trẻ sẽ được đánh giá về sức khỏe, các giác quan, kỹ năng vận động thô và vận động tinh qua các bài tập mà chuyên gia đưa ra trong quá trình đánh giá.
Đánh giá kỹ năng bắt chước
Trẻ có quyền đặc biệt thường không hoặc ít quan tâm chú ý đến những người xung quanh, thế nên rất khó để trẻ có thể bắt chước hay học các kĩ năng xã hội từ người khác. Kỹ năng bắt chước này có thể bao gồm bắt chước các vận động thô, vận động tinh hay về ngôn ngữ.
Dạy trẻ có quyền đặc biệt kỹ năng bắt chước cũng là một trong những nội dung bắt buộc phải có trong kế hoạch can thiệp cá nhân. Chính vì vậy, nó được liệt kê thành một mục riêng trong danh mục đánh giá.
Đánh giá ngôn ngữ và giao tiếp
Nhiều phụ huynh bắt đầu nhìn thấy những dấu hiệu biểu hiện rối loạn phổ tự kỷ ở con trẻ bắt đầu từ ngôn ngữ hay kỹ năng giao tiếp của con. Khi đến với chuyên gia, việc đánh giá ngôn ngữ của trẻ sẽ chia ra thành 2 phần bao gồm đánh giá ngôn ngữ nghe hiểu và ngôn ngữ diễn đạt.
Đối với ngôn ngữ nghe hiểu, trẻ được đánh giá những kỹ năng tiền ngôn ngữ, đi kèm theo đó là cử chỉ, điệu bộ trong lúc nói. Quan trọng hơn, trẻ khả năng hiểu từ, câu đơn, câu phức và tình huống, hoàn cảnh nghe hiểu.
Đối với ngôn ngữ diễn đạt cũng tương tự. Trẻ sẽ được chuyên gia đánh giá cách trẻ sử dụng các từ, câu đơn – câu phức trong các tình huống giao tiếp hàng ngày, quen thuộc với trẻ lẫn tình huống mới được sắp xếp trong buổi đánh giá.
Một số trẻ sẽ chỉ giao tiếp không lời. Khi đó, trẻ sẽ được đánh giá thêm Ví dụ như khi gọi trẻ có không, nhìn trong tình huống nào, bao lâu…
Đánh giá nhận thức
“Nhận thức bao gồm tất cả những gì được con người tiếp nhận qua các giác quan nên phát triển thể chất, ngôn ngữ, tư duy…”. Nhận thức của trẻ sẽ được trau dồi và phát triển thông qua các hoạt động mà trẻ tham gia, đòi hỏi trẻ phải vận dụng những kỹ năng sẵn có để thực hiện.
Một số mục trong đánh giá nhận thức tiêu biểu có thể kế đến:
- Phân loại sự vật
- Nhận biết màu sắc,
- Kỹ năng đếm
- Hoàn thành chuỗi …
Đánh giá kỹ năng cá nhân
Kỹ năng cá nhân có thể hiểu là kỹ năng tự phục vụ. Đối với trẻ có quyền đặc biệt, kỹ năng tự phục vụ này là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là mong muốn lớn nhất của hầu hết phụ huynh, để trẻ có thể tự lập và biết bảo vệ an toàn cho bản thân.
Các kỹ năng tự phục vụ gồm kỹ năng ăn uống, mặc quần áo, đi vệ sinh, kỹ năng tắm rửa và sửa soạn chỉnh tề, kỹ năng làm việc nhà đơn giản.
Đánh giá kỹ năng xã hội
Khi nói đến kỹ năng xã hội, chúng ta đang đề cập đến thách thức hòa nhập trong cộng đồng xã hội của trẻ có quyền đặc biệt. Các kỹ năng xã hội có thể là lời chào, cảm ơn – xin lỗi, chia sẻ, trao đổi đồ chơi, trình bày thông tin cá nhân cơ bản… Ngoài ra, kỹ năng xã hội còn đòi hỏi trẻ biết tuân thủ theo quy định trò chơi hay lớp học.
Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần biết, đánh giá kỹ năng xã hội sẽ dựa trên cả giai đoạn phát triển, hình thành kỹ năng mới của trẻ. Chuyên gia sẽ dựa trên trẻ đang trong giai đoạn nào để xây dựng những kỹ năng trên phù hợp với khả năng
Đánh giá hành vi
Hành vi phổ biến của trẻ có quyền đặc biệt là là những cử chi máy móc, rập khuôn, tự làm hại, làm đau bản thân, tăng động, chống đối… Sau khi đánh giá hành vi, các chuyên viên có thể đưa ra phương án can thiệp và quản lí các hành vi bất thường để giúp trẻ học tập hiệu quả và có cơ hội hoà nhập vào cộng đồng xã hội sớm hơn.
Đánh giá các yếu tố khác
Ngoài những đánh giá liên quan đến sự phát triển về nhận thức, hành vi, ngôn ngữ của trẻ, các chuyên gian cũng rất quan tâm đến những vấn đề khác như:
Điều trẻ thích/ghét. Mỗi đứa trẻ đều có những sở thích và giới hạn nhất định. Ví dụ như trẻ sẽ đặc biệt thích những con vật hay âm thanh, trò chơi nào. Hay trẻ sẽ không hợp tác, có thái độ cáu giận hay chống đối đặc biệt với những hoạt động nào… Đây đều là những việc cần ghi chú trong quá trình đánh giá để giúp các chuyên gia và giáo viên đặc biệt xây dựng chương trình giáo dục cá nhân hiệu quả cho trẻ.
Ngoài ra, còn cần đánh giá thêm về gia đình cũng như những người trực tiếp giáo dục và chăm sóc trẻ để có góc nhìn tổng quan về cuộc sống hằng ngày, những khó khăn mà trẻ đang hay sẽ gặp phải để hoàn thiện kế hoạch cá nhân cho trẻ.
Tạm kết
Quá trình đánh giá của chuyên gia cần phải đảm bảo những yếu tố trên để có góc nhìn tổng quan nhất về trẻ, những khó khăn mà trẻ gặp phải. Thông qua đó giúp đỡ trẻ có thể rèn luyện, học tập những kỹ năng cần thiết để sớm hòa nhập với cộng đồng xã hội và tận hưởng tuổi thơ trọn vẹn nhất.
Tại Trung tâm Giáo dục Special Em’s, chúng tôi cung cấp các dịch vụ đánh giá sàng lọc sớm rối loạn phổ tự kỷ, đánh giá phát triển và Đánh giá IQ. Sau khi tư vấn với chuyên gia, tùy theo từng trường hợp trẻ cũng như mong muốn của gia đình, SEEC sẽ lựa chọn phương pháp đánh giá cũng như xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp dành cho trẻ có quyền đặc biệt.
> Tìm hiểu thêm về các dịch vụ của Trung tâm Giáo dục Special Em’s