October 18, 2023
Câu chuyện xã hội là gì?
Câu chuyện xã hội là gì và vì sao nên áp dụng câu chuyện xã hội là những câu hỏi Phụ huynh thường đặt ra trong quá trình trao đổi về kế hoạch giáo dục cho trẻ đặc biệt.
Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ họ thường gặp khó khăn trong lần đầu dẫn con đến một môi trường mới. Dù cho môi trường lớp học hay sân chơi, trẻ đều căng thẳng và có thái độ không hợp tác nếu đó là lần đầu trẻ đến những không gian như vậy. Những trải nghiệm ấy khiến trẻ chưa tận hưởng được niềm vui trọn vẹn và dần thu mình lại trong những hoạt động, tương tác xã hội thông thường.
Câu chuyện xã hội là gì?
Theo tài liệu “HƯỚNG DẪN PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG CHƠI” từ Autism Spectrum Australia, Câu chuyện xã hội™ là phương pháp được phát triển bởi Carol Gray vào năm 1990. Đây là một cách để đưa ra cho trẻ những thông tin cần thiết về một môi trường, một sự kiện hay một kỹ năng mới.
Việc này có thể giúp trẻ hiểu về những gì sẽ xảy ra và cách phản ứng phù hợp trong một tình huống xã hội. Tương tự như phương pháp làm mẫu qua video, câu chuyện xã hội™ có thể được áp dụng hiệu quả với trẻ có kỹ năng chơi và kỹ năng xã hội ở nhiều mức độ khác nhau.
Vai trò của câu chuyện xã hội trong giáo dục đặc biệt
Đối với trẻ tự kỷ, những hành vi, thói quen rập khuôn gây cản trở cho trẻ trong quá trình thích nghi với môi trường mới, ví dụ như trường học, sân chơi, cơ sở y tế… Khi không thể hòa nhập với môi trường mới, trẻ dễ có hành vi chống đối, cáu gắt và không kiểm soát được cảm xúc.
Việc lập ra một câu chuyện xã hội sinh động, với hình ảnh cụ thể, có nhân vật chính là trẻ sẽ góp phần giúp trẻ chuẩn bị tâm lý tốt hơn trong thực tế.
Bên cạnh đó, trong câu chuyện xã hội sẽ liên tục đặt ra những tình huống giả định, trẻ có thể học thêm về những kỹ năng như giao tiếp, yêu cầu, nhờ giúp đỡ… thông qua câu chuyện xã hội.
Cách xây dựng câu chuyện xã hội
Theo bà Carol Gray, một câu chuyện xã hội tiêu chuẩn cần đảm bảo 10 mục tiêu – điều kiện sau đây:
- Phải có mục tiêu rõ ràng
- Phải có quá trình nhận biết bao gồm 2 bước
- Có tiêu đề và phần mở đầu để xác định chủ đề, một phần thân bài để thêm vào các chi tiết liên quan và kết luận để củng cố và tóm tắt thông tin.
- Có định dạng (format) riêng được thiết kế theo từng khả năng của mỗi trẻ, cách trẻ học, năng khiếu, sở thích và khả năng tập trung chú ý của trẻ.
- Luôn giữ sự kiên nhẫn và dùng giọng nói khích lệ, ủng hộ trẻ xuyên suốt quá trình kể chuyện – Có thể sử dụng những yếu tố sau:
– Cân nhắc dùng ngôi thứ nhất / ngôi thứ ba trong quá trình kể chuyện. Không dùng ngôi thứ hai (Con/em/bạn)
– Có sử dụng đầy đủ các thì quá khứ, hiện tại & tương lai
– Có giọng kể tích cực, kiên nhẫn
– Phát âm chính xác
– Thông tin chuẩn xác, rõ ràng về mặt ngữ nghĩa
6. Phải trả lời được các câu hỏi, Ở ĐÂU, KHI NÀO, AI, LÀM THẾ NÀO, và TẠI SAO
7. Cần có các câu mô tả và hướng dẫn hành vi, cử chỉ
8. Có ngôn ngữ mô tả, tường thuật nhiều hơn là mệnh lệnh
9. Liên tục cập nhật và ôn lại với trẻ
10. Có kế hoạch để điều chỉnh và tiến hành
Dựa theo 10 điều kiện kể trên, bạn đã có thể dễ dàng vạch ra đường một dàn ý cụ thể về một câu chuyện xã hội. SEEC gợi ý những chủ đề bên dưới để bạn thực hành viết một câu chuyện xã hội hoàn chỉnh.
Một số chủ đề để viết câu chuyện xã hội™
- Cách lại gần và làm quen với những bạn khác ở công viên.
- Cách phản hồi lại khi người khác nói “Không/Không được”
- Cách để trò chuyện cùng mọi người ở trường học.
- Cách chơi những trò chơi có luật.
- Cách nhờ giúp đỡ và xử trí khi ai đó vi phạm luật chơi.
Bí quyết để viết một câu chuyện xã hội
- Viết câu chuyện xã hội™ từ góc nhìn của trẻ (ví dụ: “Mình” và “của mình”, mô tả những gì trẻ có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận).
- Bạn có thể viết câu chuyện xã hội™ trên phần mềm soạn thảo (ví dụ như Microsoft Word hay Powerpoint), trên máy tính bảng hoặc các thiết bị tương tự. Mỗi câu chuyện chỉ nên tập trung vào một kỹ năng hay tình huống xã hội cụ thể để không làm trẻ bị quá tải.
Câu chuyện xã hội™ sử dụng ngôn ngữ mang tính tích cực và mô tả các cách cư xử phù hợp trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ: “Khi ai đó lấy bóng của mình, mình sẽ cố giữ bình tĩnh và nói với thầy cô”.
Nếu câu chuyện cần thiết phải nhắc đến một hành vi tiêu cực, hãy lưu ý về cách viết và dùng những ngôn ngữ chung chung. Ví dụ: “Đôi lúc các bạn khác hét to lên vì cảm thấy tức giận…”.
Bí quyết áp dụng các câu chuyện xã hội™
- Chọn một địa điểm yên tĩnh và thời điểm trẻ bình tĩnh để giới thiệu câu chuyện cho trẻ.
- Nếu đọc truyện cùng trẻ nhỏ, hãy ngồi bên cạnh trẻ và hơi lùi lại phía sau.
- Giới thiệu một cách đơn giản và mạch lạc.
- Đọc to truyện thành tiếng hoặc cho trẻ đọc nếu trẻ đã biết đọc.
- Khái quát hóa câu chuyện bằng cách để những người khác đọc truyện cho trẻ.
- Luyện tập làm theo như trong truyện thông qua hoạt động chơi đóng vai với con
Mẫu câu chuyện xã hội từ Trung tâm Giáo dục Special Em’s
Trong chương trình giảng dạy tại SEEC, chúng tôi cũng áp dụng rất nhiều mẫu câu chuyện xã hội để trẻ hiểu được những bối cảnh, tình huống mới mẻ mà trẻ có thể gặp trong cuộc sống.
Ngoài những gợi ý kể trên, chúng tôi có những câu chuyện riêng trong những tình huống cụ thể như: Ngày Tết Trung Thu tại Special Em’s, Hoạt động tham quan bên ngoài lớp học… Trẻ tại SEEC cũng được nhận xét có thái độ hợp tác, tích cực, an tâm và tự tin thể hiện bản thân ở môi trường mới, thậm chí khi tiếp xúc với những người lạ.
DOWNLOAD MẪU CÂU CHUYỆN XÃ HỘI: BÉ ĐI HỌC VẼ TẠI VCVAA