October 20, 2021
Hành Trang Của Ba Mẹ Cùng Trẻ Có Quyền Đặc Biệt Bước Vào Lớp Một Trong Môi Trường Giáo Dục Hòa Nhập Trực Tuyến
ThS. Lê Thị Xuân Diệu – ThS. Hồ Tâm Đan
Bước vào lớp Một là bước chuyển quan trọng đầu tiên trong đời trẻ. Đây không chỉ là mối quan tâm hàng đầu của riêng phụ huynh, các nhà giáo dục, mà còn là của toàn xã hội, vì bước chuyển này vừa đầy thử thách, cũng vừa ẩn chứa những cơ hội để trẻ phát triển vượt bậc trong tương lai.
Trước đây, trong điều kiện thuận tiện để trẻ đến trường sinh hoạt cùng thầy cô, bạn bè, các con cần được hỗ trợ để vượt qua hoạt động hoàn toàn mới của lứa tuổi này, chính là “Thích nghi với môi trường mới” và “Tham gia vào hoạt động học tập”. Hiện nay, khi việc bước vào lớp Một trong môi trường giáo dục hòa nhập trực tuyến được áp dụng, dù hình thức này có điểm thuận lợi khi trẻ vẫn có thể trong môi trường quen thuộc của mình, con và gia đình sẽ cần nhiều sự giúp đỡ hơn khi con sẽ giao tiếp với thầy cô, bạn bè qua những màn hình nhỏ.
Từ kinh nghiệm tư vấn cho nhiều phụ huynh có con đang phải làm quen với việc học trực tuyến, các chuyên gia đã nhận ra những khó khăn mà trẻ có quyền đặc biệt thường gặp phải, bao gồm các vấn đề sau:
- Khả năng tập trung chú ý
- Khả năng tiếp thu kiến thức
- Tuân thủ nội quy lớp học
- Các nguy cơ đối với sức khỏe (thị giác, thính giác, hệ cơ xương)
Như vậy, phụ huynh có thể làm gì để giúp đỡ con vượt qua khó khăn, hướng tới thích nghi với hoạt động học tập bằng hình thức trực tuyến hiện nay? Hy vọng quý phụ huynh có thể tìm được giải pháp hữu ích trong bài viết này.
Hiểu được rằng các vấn đề này khiến các bậc làm cha mẹ lo lắng, Special Em’s cùng Thạc sĩ Tâm lý Lê Thị Xuân Diệu và Thạc sĩ Hồ Tâm Đan – Chuyên viên tâm lý trị liệu sẽ gửi đến phụ huynh một vài chia sẻ hữu ích, nhằm giúp trẻ và gia đình chuẩn bị tốt nhất để vượt qua những khó khăn, hướng tới thích nghi với hình thức học tập trực tuyến khi bước vào môi trường giáo dục hòa nhập.
1. GIÚP CON TĂNG THỜI GIAN TẬP TRUNG CHÚ Ý
“Kiến tha lâu cũng đầy tổ”
Ba mẹ có thể quan sát để xác định mốc thời gian con tập trung cao nhất khi ngồi tại bàn học, trước màn hình máy tính mà không thể hiện sự mệt mỏi là trong bao lâu, rồi từ đó đặt mục tiêu vừa sức với con. Đừng quên thảo luận với trẻ về mục tiêu và đặt ra phần thưởng tương thích để khuyến khích con cố gắng hơn. Ví dụ, nếu hôm nay con ngồi học được 20 phút rồi chạy đi, hãy cùng con thống nhất mục tiêu trong tuần này có thể ngồi học được 25 phút cùng phần thưởng là một món ăn con yêu thích. Song song đó, phụ huynh có thể tổ chức các hoạt động vui chơi ngồi bàn trong khoảng thời gian mục tiêu như: trò chơi khoanh tròn chữ cái, vẽ – tô màu, cắt – dán, hay cùng nhào bột làm bánh chữ và số…
2. CÙNG CON TÌM RA CÁCH HỌC PHÙ HỢP
“Điều quan trọng là con đã có những nỗ lực tiến bộ gì so với hôm qua”
Vì mỗi trẻ có một cách học và tốc độ học khác nhau, riêng trẻ có quyền đặc biệt lại càng cần có những cách thức, phương pháp học chuyên sâu, một chương trình riêng ứng với khả năng của con, phụ huynh có thể chủ động trao đổi với giáo viên đứng lớp về tình trạng của con, để từ đó có sự nhận biết và điều chỉnh phù hợp. Như vậy, giáo viên có thể giao những bài tập hoặc mời con phát biểu ở những câu hỏi vừa sức, giúp con thêm tự tin hơn. Ngoài ra, ba mẹ cũng có thể giúp con học lại các nội dung con chưa kịp tiếp thu trên lớp thông qua các hình thức như trò chơi, trò chuyện, xem video … Ở bước này, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến của giáo viên can thiệp, nhờ giáo viên đặc biệt đang dạy con ở nhà cùng tham gia điều chỉnh, hoặc xin ý kiến của chuyên gia, để tìm ra cách học hiệu quả cho con.
3. GIÚP CON LÀM QUEN VỚI NHỮNG QUY ĐỊNH
“Bức tường được làm từ những viên gạch”
Những viên gạch đầu tiên rất quan trọng cho nền móng về sau, phụ huynh hãy thông báo một cách rõ ràng và kiên định với những quy định đã đưa ra, cũng như nhất quán trong việc thực hiện chúng.
- Giới thiệu trước cho con những quy định của lớp, chẳng hạn như “giơ tay khi phát biểu”, “giữ im lặng/ tắt micro khi giáo viên đang giảng bài”, “hoàn thành bài trước khi đến lớp” … Ba mẹ có thể in hình kèm theo các quy định rồi dán ở nơi con ngồi học, để trẻ có thể nhớ và làm theo.
- Chọn cho con những bộ trang phục chỉnh tề, khác với quần áo con hay mặc ở nhà, ví dụ như đồng phục trường, đồng phục cũ … để giúp con tăng cảm giác đang ở lớp. Dù học trực tuyến tại nhà nhưng việc làm này sẽ giúp con tăng khả năng thực hiện theo các quy định của lớp học.
- Quan sát xem con gặp khó khăn ở những quy định nào, từ đó tổ chức các hoạt động sắm vai, đóng kịch, các trò chơi có luật để củng cố. Ba mẹ hãy luôn nhấn mạnh và nhắc nhở con phải tuân thủ luật khi chơi.
4. GIÚP CON CÓ MỘT NỀN TẢNG SỨC KHỎE TỐT
“Cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn”
Toàn bộ sức khỏe của con từ thể chất đến tinh thần đều chịu ảnh hưởng khi tham gia học trực tuyến.
- Thị giác: Ba mẹ hãy đảm bảo góc học tập của con có đầy đủ ánh sáng, nhắc con giữ khoảng cách phù hợp với màn hình. Sau khoảng 20 phút nhìn màn hình, con nên nhắm mắt lại trong khoảng 20 đến 30 giây. Ngoài ra, con có thể thư giãn mắt bằng cách hướng tầm mắt ra xa (hơn 60m) hoặc nhìn vào màu xanh của cây cảnh.
- Thính giác: Trong trường hợp điều kiện phù hợp, ba mẹ nên cho trẻ sử dụng loa ngoài. Nếu phải sử dụng tai nghe, hãy hướng dẫn trẻ điều chỉnh mức âm lượng vừa phải và thường xuyên vệ sinh tai nghe.
- Hệ cơ xương: Việc ngồi yên trong thời gian dài có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến hệ cơ xương của con. Phụ huynh hãy cùng con hình thành thói quen vận động, vì ba mẹ là tấm gương tốt nhất để con noi theo.
- Chế độ dinh dưỡng: Một sức khỏe tốt được xây dựng từ từng bữa ăn, giấc ngủ. Hãy cố gắng đảm bảo cho trẻ một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ. Đặc biệt, đừng bỏ lỡ bữa sáng, vì đây là bữa ăn có tác động tích cực đối với khả năng ghi nhớ và chú ý của con.
Các bậc cha mẹ đừng quá lo lắng, chẳng phải mỗi chặng đường mới sẽ luôn mang theo những thử thách mới sao! Special Em’s tin rằng, với tình yêu thương vô điều kiện của ba mẹ, cùng sự hỗ trợ kịp thời từ các nhà chuyên môn, trẻ có quyền đặc biệt sẽ có những bước tiến vững vàng trên hành trình phát triển của mình.